Sử dụng tủ đông lâu năm chắc hẳn bạn đã không ít lần gặp sự cố do bất cẩn trong vận hành và vệ sinh thiết bị. Vậy những lỗi thường gặp ở tủ đông đó là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục vấn đề như thế nào? Cùng Kanawa tìm hiểu bài viết để giải đáp cũng như phát hiện và sửa lỗi nhanh chóng, tối ưu chi phí nhé!

1. TOP 12 lỗi thường gặp ở tủ đông và cách khắc phục
1.1. Tủ có mùi hôi khó chịu
Nguyên nhân:
Mùi hôi trong tủ đông có thể xuất phát từ nhiều nguyên khác nhau như:
- Lưu trữ thực phẩm hỏng trong tủ quá lâu.
- Thực phẩm không được bao bọc kỹ gây ra mùi lạ.
- Tủ đông lâu không được vệ sinh hoặc sử dụng trong môi trường ẩm ướt.
Biểu hiện:
Khi mở cửa tủ, bạn sẽ ngửi thấy mùi hôi nặng, có thể là mùi thiu, mốc, hoặc mùi hôi của thực phẩm đã hỏng. Đôi khi mùi này còn bám vào thực phẩm còn lại trong tủ.

Cách khắc phục:
Để giải quyết vấn đề này, bạn cần kiểm tra và loại bỏ tất cả thực phẩm đã hỏng hoặc có dấu hiệu không còn sử dụng được. Tiến hành đóng gói kỹ càng các thực phẩm còn lại trước khi đặt vào tủ để tránh mùi lây lan. Đồng thời, hãy vệ sinh tủ đông định kỳ ít nhất 2-3 tháng một lần để duy trì sự sạch sẽ và loại bỏ nguồn gây mùi.
1.2. Tủ lâu lạnh hoặc không làm lạnh
Nguyên nhân:
Một trong những lý do chính khiến tủ đông không làm lạnh hiệu quả, đó là bạn cất trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ, khiến luồng khí lạnh không thể lưu thông đều. Ngoài ra, việc đặt thực phẩm còn nóng vào tủ hay để tủ bị đóng tuyết, ở trong điều kiện nắng nóng cũng làm giảm khả năng làm lạnh.
Biểu hiện:
Tủ không thể làm lạnh tới mức tiêu chuẩn khiến thực phẩm không thể đông đá hoặc có dấu hiệu bị hư hỏng do không được bảo quản đúng cách. Đôi khi tủ đông hoạt động nhưng rất chậm, không đạt nhiệt độ mong muốn.

Cách khắc phục:
Hạn chế đóng mở tủ thường xuyên để tránh làm mất khí lạnh. Đảm bảo không lưu trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ để không làm tắc nghẽn luồng khí lạnh. Nếu tủ đông có hiện tượng đóng tuyết dày, bạn cần rút hết thực phẩm ra và để tủ rã băng hoàn toàn, sau đó vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng lại.
1.3. Cửa đóng không kín
Nguyên nhân:
Cửa tủ đông không thể đóng kín có thể do thực phẩm bị kẹt ở vị trí cửa, hoặc bạn đã nhồi nhét quá nhiều thực phẩm vào bên trong khiến cửa tủ không thể khép chặt. Một nguyên nhân khác có thể là do tủ không được đặt ở vị trí vững chắc, hoặc gioăng cao su ở cửa bị hỏng, khiến tủ không thể tạo được sự kín khít.
Biểu hiện:
Khi cửa tủ không đóng kín, bạn có thể thấy ánh sáng lọt qua khe cửa hoặc nghe thấy tiếng rít khi đóng mở. Điều này làm giảm hiệu quả làm lạnh, thực phẩm dễ bị hư hỏng và tủ sẽ phải hoạt động liên tục để bù đắp sự thiếu hụt nhiệt độ.

Cách khắc phục:
Bạn cần sắp xếp lại thực phẩm bên trong tủ sao cho khoa học, tránh nhồi nhét quá nhiều khiến cửa bị kẹt. Kiểm tra vị trí đặt tủ để đảm bảo nó nằm trên mặt phẳng vững chắc và không bị nghiêng. Nếu gioăng cao su ở cửa bị hỏng hoặc bong ra, bạn nên thay mới để tủ đóng kín hoàn toàn, giúp duy trì hiệu quả làm lạnh.
1.4. Tủ phát ra tiếng ồn lớn
Nguyên nhân:
Tiếng ồn lớn phát ra từ tủ đông có thể đến từ nhiều nguyên do khác nhau:
- Do thực phẩm không được sắp xếp đúng cách, gây ra sự va chạm hoặc rung lắc trong quá trình hoạt động.
- Do tủ không được đặt trên mặt phẳng vững chắc khiến thiết bị rung lắc trong quá trình vận hành, gây ra tiếng ồn khó chịu.
- Một nguyên nhân khác có thể là các bộ phận của tủ, như máy nén hoặc quạt, không được lắp ráp đúng cách.

Biểu hiện:
Tủ đông bị kêu to bất thường hoặc tiếng rít, có thể nghe thấy rõ ràng khi tủ đang hoạt động. Tiếng ồn này có thể khiến mọi người xung quanh khó chịu, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hoặc hoạt động kinh doanh của người dùng.
Cách khắc phục:
Đầu tiên, hãy kiểm tra vị trí đặt tủ để đảm bảo nó nằm trên bề mặt bằng phẳng và vững chắc. Sắp xếp thực phẩm bên trong tủ gọn gàng, tránh tình trạng thực phẩm va chạm gây tiếng động. Nếu tiếng ồn vẫn còn tiếp tục sau khi thực hiện các biện pháp trên, bạn nên liên hệ với trung tâm bảo hành hoặc dịch vụ sửa chữa tủ đông uy tín để kiểm tra và giải quyết vấn đề.
1.5. Tủ không sáng đèn
Nguyên nhân:
Một số nguyên nhân phổ biến khiến đèn chiếu sáng của tủ đông không hoạt động bao gồm tủ chưa được cắm điện hoặc ổ cắm không có điện, đèn báo hiệu bị hỏng,…

Biểu hiện:
Khi mở cửa tủ, bạn thấy đèn chiếu sáng không bật. Dù tủ vẫn có thể làm lạnh, nhưng thiếu ánh sáng từ đèn có thể gây khó khăn khi bạn cần tìm thực phẩm hoặc sử dụng tủ vào ban đêm.
Cách khắc phục:
Đầu tiên, kiểm tra xem tủ đã được cắm vào ổ điện chưa và ổ cắm có cung cấp điện không. Nếu đèn vẫn không sáng dù nguồn điện ổn định, khả năng cao là đèn báo của tủ đã bị hư hỏng. Trong trường hợp này, bạn cần liên hệ với trung tâm bảo hành hoặc dịch vụ sửa chữa tủ đông uy tín để kiểm tra và thay thế đèn mới.
1.6. Tủ bị rò rỉ nước
Nguyên nhân:
Tủ đông bị rò rỉ nước có thể do van thoát nước bị hở, khiến nước tích tụ và rò rỉ ra ngoài. Ngoài ra, tuyết hoặc bụi bẩn lâu ngày bám vào làm tắc nghẽn lỗ thoát nước, khiến nước tràn ra theo lối khác. Trong một số trường hợp, vấn đề này có thể do khay chứa nước bị hư hỏng hoặc tủ bị hỏng lòng trong.

Biểu hiện:
Nước chảy ra từ tủ đông, gây ẩm ướt xung quanh khu vực đặt tủ. Nước có thể rỉ ra ở đáy tủ hoặc xung quanh khay chứa nước.
Cách khắc phục:
Kiểm tra van thoát nước của tủ xem đã được đóng kín hay chưa. Nếu lỗ thoát nước bị tắc nghẽn, sử dụng vật nhọn để làm sạch. Nếu vấn đề vẫn không được giải quyết, bạn nên liên hệ trung tâm bảo hành hoặc dịch vụ sửa chữa uy tín để kiểm tra và sửa chữa tủ.
>>> Khám phá: Tủ đông bị rò gas do đâu? Cách khắc phục đơn giản và hiệu quả
1.7. Tủ bị đọng sương ở ngoài vỏ
Nguyên nhân:
Tủ đông bị đọng sương ở ngoài vỏ thường là do cửa tủ không đóng chặt, hoặc tủ không được bảo quản trong môi trường khô ráo. Ngoài ra, lượng thực phẩm trong tủ quá nhiều hoặc không được sắp xếp hợp lý cũng có thể dẫn đến hiện tượng này. Bảo quản quá nhiều đồ khiến không khí lạnh không thể lưu thông đều, dẫn đến hiện tượng ngưng tụ sương bên ngoài vỏ tủ.

Biểu hiện:
Bạn sẽ nhìn thấy các giọt nước hoặc sương đọng lại trên vỏ ngoài của tủ, khiến tủ bị ẩm ướt và có dấu hiệu rỉ sét theo thời gian.
Cách khắc phục:
Kiểm tra gioăng cao su ở cửa tủ và đảm bảo nó không bị co giãn hoặc hư hỏng. Nếu bị hỏng, cần thay gioăng mới ngay lập tức. Ngoài ra, bạn cần sắp xếp lại thực phẩm trong khoang tủ sao cho gọn gàng và khoa học. Không nhồi nhét quá nhiều thực phẩm, không cho thực phẩm còn nóng vào khoang và thường xuyên vệ sinh tủ để duy trì hiệu quả làm lạnh.
1.8. Tủ đông bị nóng
Nguyên nhân:
Tủ đông có thể bị nóng khi:
- Dàn nóng của máy nén được đặt ở hai bên hông tủ, khiến nhiệt lượng tỏa ra trong quá trình hoạt động.
- Đặt tủ ở vị trí quá chật hẹp hoặc nơi có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, nhiệt độ bên ngoài sẽ làm tủ không thể tản nhiệt đúng cách, dẫn đến tình trạng tủ đông bị nóng.
- Các thiết bị điện xung quanh như bếp gas, lò vi sóng tỏa nhiệt, khiến tủ đông bị nóng.

Biểu hiện:
Chạm tay vào bề mặt tủ, bạn sẽ thấy tủ đông bị nóng mặt trước, có thể là khu vực xung quanh dàn nóng hoặc toàn bộ thân tủ. Tình trạng này có thể làm giảm hiệu suất làm lạnh của tủ, ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản thực phẩm.
Cách khắc phục:
Để giải quyết vấn đề này, bạn cần di chuyển tủ đến một vị trí rộng rãi, thoáng mát, và tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Đảm bảo tủ có không gian trống xung quanh (ít nhất 15 – 20 cm cách tường và các thiết bị điện khác) để quá trình tản nhiệt được thực hiện hiệu quả. Tránh đặt tủ gần các thiết bị phát nhiệt như bếp gas, lò vi sóng,…
1.9. Máy nén liên tục hoạt động hết công suất
Nguyên nhân:
Máy nén tủ đông phải hoạt động liên tục do một số nguyên nhân như:
- Cửa tủ không đóng kín, khiến hơi lạnh bị thất thoát ra ngoài.
- Đèn chiếu sáng hỏng nhưng vẫn sáng ngay cả khi tủ đã đóng, khiến máy nén hoạt động liên tục để duy trì nhiệt độ.
- Lưu trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ khiến không khí lạnh không thể lưu thông đều.
- Gioăng cao su ở cửa bị rách, giãn hoặc hỏng.
- Rơ le nhiệt hỏng hoặc lắp sai.
- Máy nén thiếu gas hoặc hư hỏng, nó cũng sẽ chạy hết công suất để cố gắng làm lạnh.

Biểu hiện:
Máy nén sẽ liên tục phát ra tiếng ồn nhưng nhiệt độ trong khoang mãi không đạt tới ngưỡng ổn định. Tủ hoạt động với mức điện năng lớn hơn bình thường, khiến người dùng tốn kém đáng kể chi phí.
Cách khắc phục:
Đầu tiên, kiểm tra cửa tủ xem có đóng kín không và kiểm tra nguồn điện cấp cho tủ có ổn định không. Sắp xếp lại thực phẩm trong tủ để không làm tắc nghẽn luồng khí lạnh, giúp hơi lạnh lan tỏa đều hơn.
Nếu gioăng cao su bị hỏng, bạn cần thay mới hoặc dùng máy sấy để khôi phục độ đàn hồi của gioăng bị giãn. Trong trường hợp rơ le nhiệt, đèn báo hiệu hoặc máy nén gặp vấn đề, bạn nên liên hệ trung tâm bảo hành hoặc dịch vụ sửa chữa tủ đông uy tín để kiểm tra và khắc phục kịp thời.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn Cách xả tuyết ở tủ đông nhanh, an toàn, đỡ tốn công sức
1.10. Khó mở cửa tủ
Nguyên nhân:
Cửa tủ đông khó mở có thể do sự chênh lệch áp suất giữa bên trong và bên ngoài tủ, khiến cửa bị dính chặt. Thêm vào đó, gioăng cao su ở cửa có thể bị bám bẩn hoặc dính thức ăn, gây khó khăn khi đóng mở.

Biểu hiện:
Khi cố gắng mở cửa tủ, bạn cảm thấy bị kẹt, đôi khi phải dùng lực mạnh mới có thể mở được. Tình trạng này xảy ra thường xuyên, nhất là khi vừa lấy thực phẩm ra hoặc sau một thời gian dài sử dụng tủ mà không vệ sinh cửa.
Cách khắc phục:
Nếu áp suất chênh lệch gây khó mở cửa, bạn chỉ cần sử dụng lực mạnh hơn một chút để mở tủ. Tuy nhiên, nếu gioăng cao su bị bẩn, bạn nên vệ sinh sạch sẽ bằng nước ấm và khăn mềm để loại bỏ bụi bẩn. Việc vệ sinh định kỳ sẽ giúp gioăng hoạt động hiệu quả hơn.
1.11. Gioăng cao su đọng hơi nước
Nguyên nhân:
Gioăng cao su bị đọng hơi nước thường là do:
- Cửa tủ không được đóng chặt sau mỗi lần lấy thực phẩm.
- Thời tiết nóng ẩm cũng góp phần làm tăng độ ẩm trong tủ.
- Lưu trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ khiến khí lạnh không thể lưu thông được, gây ra sự tích tụ hơi nước.
- Đặt thực phẩm còn nóng vào trong tủ.

Biểu hiện:
Bạn sẽ thấy hơi nước hoặc hơi ẩm đọng lại trên gioăng cao su của tủ, hoặc đôi khi cảm thấy hơi ẩm khi mở cửa tủ. Hơi nước có thể làm gioăng cao su bị mốc hoặc gây mùi hôi.
Cách khắc phục:
Đảm bảo cửa tủ luôn được đóng kín sau khi sử dụng. Kiểm tra gioăng cao su và thay thế nếu bị hỏng. Nếu gioăng cao su bị giãn hoặc bong, bạn có thể dùng máy sấy tóc để làm ấm và phục hồi độ đàn hồi.
Để ngăn ngừa hơi nước, bạn nên sắp xếp thực phẩm trong tủ một cách khoa học, đóng gói thực phẩm cẩn thận và tránh đặt thực phẩm còn nóng vào tủ. Vệ sinh tủ định kỳ mỗi 2-3 tháng để giữ tủ luôn khô ráo.
1.12. Tủ không hoạt động
Nguyên nhân:
Tủ không hoạt động có thể là do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Tủ chưa được cấp nguồn điện hoặc ổ cắm không có điện.
- Điện áp cấp cho tủ quá thấp hoặc quá cao, gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tủ.
- Dây điện của tủ hư hỏng, không tiếp nhận nguồn điện.

Biểu hiện:
Các chức năng của tủ như làm lạnh, bảo quản thực phẩm, đều không thể thực hiện. Bạn sẽ không thấy đèn sáng và tủ hoàn toàn “im lìm”.
Cách khắc phục:
Kiểm tra kỹ nguồn điện, ổ cắm và dây điện của tủ để đảm bảo chúng đã được kết nối đúng cách và có điện. Nếu điện áp nhà bạn không ổn định, bạn có thể sử dụng ổn áp để điều chỉnh mức điện áp cho phù hợp với yêu cầu của tủ. Nếu tủ vẫn không hoạt động sau khi kiểm tra, hãy liên hệ với trung tâm bảo hành hoặc dịch vụ sửa chữa tủ đông uy tín để được kiểm tra và sửa chữa.
>>> Xem ngay: Chính sách Bảo hành tủ đông Kanawa
2. Lưu ý khi sử dụng tủ đông giúp hạn chế lỗi xảy ra

- Vệ sinh tủ đông thường xuyên để giữ cho thực phẩm được tươi ngon, không nhiễm khuẩn và có mùi hôi khó chịu.
- Sắp xếp thực phẩm với cự ly phù hợp để không khí lạnh được lưu thông tốt và tối ưu hiệu quả bảo quản.
- Kiểm tra và bảo dưỡng tủ đông định kỳ giúp phát hiện sớm lỗi và khắc phục kịp thời.
- Tránh nhồi nhét quá nhiều thực phẩm vào tủ, không đặt thực phẩm còn nóng vào tủ khiến tủ làm lạnh kém hiệu quả.
- Tránh tình trạng tủ hoạt động không hiệu quả hoặc gặp sự cố do nguồn điện không ổn định.
- Đảm bảo gioăng cao su ở cửa tủ luôn hoạt động tốt, không bị hỏng hoặc giãn.
Trên đây là những lỗi thường gặp ở tủ đông mà bất kỳ ai cũng nên biết. Mong rằng qua những chia sẻ này, bạn có thể áp dụng nhanh chóng vào tình cảnh mình gặp phải. Từ đó, tìm ra phương án xử lý hiệu quả, hạn chế tổn thất và tiết kiệm chi phí cho bản thân.