Hương thơm nức mũi và vị giòn tan của bánh bao nướng đủ để đánh thức mọi vị giác của chúng ta. Vậy bạn biết cách chế biến món ăn này để ăn ngay tại nhà?
1. Bánh bao nướng đậm đà thơm ngon từ ngoài vào trong
1.1 Vỏ mỏng giòn tan
Khác với bánh hấp thông thường, bánh bao nướng có phần vỏ rất mỏng và phân thành nhiều lớp kế tiếp nhau. Trong đó, phần vỏ ngoài có màu vàng nâu, thơm phức và giòn rùm rụm, ăn rất đã miệng. Phần bột bên trong lại mềm mềm, dai dai và cực săn. Khi cắn một miếng sẽ thấy cả độ giòn và mềm của vỏ bánh, mang đến cảm giác vừa thích thú, vừa khác lạ.
1.2 Nhân đầy ú béo ngậy
Bên trong lớp vỏ mỏng là phần nhân bánh đầy ú ụ gồm thịt xay, củ đậu, lạp xưởng, trứng cút, mộc nhĩ, nấm hương… gia giảm thêm chút dầu mè, dầu hào, hành tím, tiêu, bột bắp….tạo ra mùi vị đậm đà, béo ngậy.
Chẳng những vậy, sự kết hợp mang tính cộng hưởng của phần nhân mặn và vỏ bánh có vị ngọt nhẹ. Từ đó, tạo nên sự cân bằng về vị giác, giúp nâng tầm chất lượng của món ngon độc đáo này.
1.3 Hương thơm nức mũi
Mùi thơm khó cưỡng của bánh đến từ nhiều yếu tố: việc làm chín trên nền nhiệt cao khiến lớp vỏ ngoài trở nên dậy mùi. Cộng thêm sự góp mặt của sữa tươi trong phần bột nên lại càng hấp dẫn. Bên trong nhân bánh phưng phức mùi hành tím, tiêu sọ, nấm hương, dầu mè; cả mùi thơm ngọt của bột bắp, dầu hào và mùi thơm ngậy của thịt xay….
✖✖✖ ĐỌC TIẾP: Bánh bao hình con vật
2. Cách làm bánh bao nướng thơm, siêu ngon
2.1 Nguyên liệu
- Bột mì nguyên chất: 230-250 gam
- Thịt nạc vai: 150 gam
- Nấm hương: 5 gam
- Mộc nhĩ: 5 gam
- Bột năng: 5 gam
- Trứng cút: 7 quả
- Trứng gà ta: 1 quả
- Sữa tươi không đường: 100ml
- Củ đậu: 100 gam
- Bột bắp: 5 gam
- Men nở: 5 gam
- Lạp xưởng: 70-80 gam
- Các gia vị khác:
2.2 Công thức làm
2.2.1. Sơ chế nguyên liệu
- Đập vỏ, đánh tan trứng gà, sau đó san làm 2 phần bằng nhau
- Loại bỏ phần cuống và chà sạch bề mặt nấm sau khi ngâm trong nước nóng rồi băm nhỏ
- Luộc trứng cút bằng nước mát rồi để nhỏ lửa trong 7”. Sau khi luộc, chờ trứng nguội rồi mới bóc vỏ
- Củ đậu bóc vỏ, cắt thành từng miếng nhỏ vuông vắn
- Lạp xưởng có thể thái hạt lựu hoặc xắt mỏng, tùy sở thích
- Thịt thái thành từng miếng chữ nhật, sau đó đập dập hành tím rồi cho cả 2 vào máy xay thịt, xay nhỏ vừa độ (không nên xay quá nát, nhân sẽ mất ngon)
2.2.2. Làm nhân
- Rưới dầu hào, dầu mè, tiêu sọ và hạt nêm với thịt xay, trộn đều.
- Tiếp tục thêm củ đậu, lạp xưởng, nấm đông cô và nấm mèo vào hỗn hợp, nhào đều tay cho ngấm gia vị
- Để nhân có độ kết dính cao, thêm 1/2 trứng gà đánh sẵn và bột bắp vào thịt xay, trộn nhanh tay trong 2 phút
- Vo viên phần thịt vừa trộn, dàn mỏng và đặt trứng vào chính giữa, túm mép lại để tạo hình nhân tròn trịa
2.2.3. Làm vỏ
- Làm bột ruột: Trộn 50-70 gam bột mì và 5 gam bột năng cùng 20-25ml dầu ăn. Nhào bột thật nhuyễn và đều, sờ không dính tay là đạt yêu cầu. Khi đó, ta sẽ thu được phần bột ruột.
- Làm bột vỏ: Đun ấm sữa tươi, cho men nở, đường vào. Chờ 10 phút cho men hoạt động thì rót từ từ hỗn hợp vào phần bột mì còn lại. Cho thêm trứng gà đánh nhuyễn, muối, dầu ăn rồi trộn đều. Từ từ thêm bột cho đến khi cục bột có độ nhuyễn hoàn hảo, sờ chỉ dính tay nhẹ. Lúc này bạn hãy ủ bột bằng màng bọc trong 30” để men nở phát huy tác dụng
2.2.4. Tạo hình bánh
- Lấy bột vỏ chia làm nhiều phần (tương ứng với khoảng 7 chiếc bánh). Cán mỏng cả bột ruột và bột vỏ thành những bản dẹt, lồng vào bên trong bột vỏ rồi túm mép lại.
- Đặt phần mịn phẳng hơn xuống bề mặt, tiếp tục cán thành bản dẹt và dùng tay cuộn lại theo cách cuốn chiếu. Sau khi cuộn, xoay phần bột theo chiều vuông góc với tư thế trước đó rồi tiếp tục cán mỏng. Làm càng nhiều lần, vỏ bánh sẽ càng có nhiều lớp
- Khi đã đạt yêu cầu, cán dẹt lớp vỏ thành hình tròn, đặt nhân vào giữa và nhẹ nhàng làm khít mép vỏ. Dùng tay căn chỉnh lại cho đều, và đẹp. Chú ý không cán bột quá mỏng vỏ vì như vậy bánh sẽ dễ bị thủng.
2.2.5. Nướng bánh
- Để vỏ bánh thêm thơm, giòn và có màu vàng ruộm sau khi chế biến, bạn nên phết một lớp trứng gà vào mặt ngoài
- Đặt bánh vào khay và nướng trong lò vi sóng trên nền nhiệt 170 – 180 độ C. Sau 15-20 phút, chúng ta sẽ thu được thành phẩm.
2.3 Thành phẩm
- Bánh có màu vàng nâu, tròn trịa và thơm phức, trông cực hấp dẫn
- Khi cắt đôi, bạn sẽ thấy phần vỏ bánh được chia làm nhiều lớp và tách nhau. Phần nhân dậy mùi, chín vừa độ và siêu đầy đặn
☛☛☛ NÊN XEM: Cách làm bánh bao chiên
3. Mẹo làm bánh bao nướng ngon, hấp dẫn nhất
Để làm bánh bao nướng thơm ngon, hấp dẫn, bạn đừng bỏ qua 3 mẹo nhỏ sau đây!
3.1 Bí kíp ủ bột “bất bại”
Khi ủ, bạn nên cho phần bột đã được nhào nặn kỹ vào trong túi silicon khoảng 30” để men nở phát huy tác dụng. Nên nhớ men hoạt động tốt trong nền nhiệt ấm ở môi trường nước. Vậy nên, để kích hoạt bạn cần làm ấm sữa, cho men vào hòa tan trước khi trộn đều với bột cùng gia vị khác.
Lưu ý: Không nên cho men nở trực tiếp vào bột rồi cho sữa ấm. Vì như thế, bạn vừa khó kích hoạt mà men lại bị vón cục, không được trộn đều trong bột. Dẫn đến phần bột kém đồng nhất về độ nở, ăn mất ngon.
3.2 Làm vỏ bánh thật mỏng
Lớp vỏ siêu mỏng là một trong những điểm đặc biệt của món bánh bao nướng. Khiến chúng ta vừa cảm nhận được độ giòn thơm, vừa thấy rõ sự đầy đặn của phần nhân chất lượng. Và muốn có được điều này, bạn cần phải đảm bảo phần bột có độ dai, đàn hồi tốt.
3.3 Làm nóng lò trước khi cho bánh vào
Theo đó, khi bạn cho bánh vào rồi mới vận hành lò nướng thì trong 15”đầu nền nhiệt tăng từ từ.
Chưa đủ độ nên bên trong chưa kịp chín, bên ngoài nở chút ít và kém giòn, nếu không muốn nói là bị ỉu. Khi lò đạt đến nền nhiệt phù hợp thì phần vỏ ngoài có độ giòn không đạt yêu cầu. Bên trong lại chín không đều, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng thành phẩm.
Ngược lại, khi lò đã được làm nóng thì lớp ngoài bắt đầu se lại và nhanh chuyển màu vàng ruộm, giòn thơm. Như vậy, thành phẩm tạo ra sẽ đạt đến sự hoàn hảo cả về lớp nhân mềm mại bên trong và lớp vỏ hấp dẫn bên ngoài.
Trong tiết đầu thu tuyệt đẹp này mà được điểm tâm bằng vài chiếc bánh bao nướng thơm phưng phức thì còn gì bằng. Vậy bạn còn chần chờ gì nữa? Công thức đã có sẵn, bí kíp cũng “đầy túi”, hãy xắn tay vào bếp làm cùng thiết bị bếp công nghiệp Kanawa ngay thôi!