Là món dễ ăn và dễ tiêu hoá, dành ít phút nấu cháo bằng nồi cơm điện sẽ cho bạn một phần ăn bổ dưỡng trong thời gian ngắn, hương vị vẫn đậm đà không kém cạnh các dạng nồi đun khác. Ngay bây giờ hãy để Kanawa hướng dẫn bạn cách nấu chi tiết nhất nhé.
1. Vì sao nấu cháo bằng nồi cơm điện được yêu thích?
Không khó để bắt gặp hình ảnh các hộ gia đình nấu cháo bằng nồi cơm điện. Mặc dù họ hoàn toàn có thể sử dụng những dòng nồi như: nồi đun truyền thống, nồi áp suất, nồi nấu chậm… để nấu món ăn “đúng điệu” hơn. Song nồi cơm điện vẫn là lựa chọn phổ biến nhất, lý do là:
- Nấu cháo trong nồi đun truyền thống hoặc nồi áp suất khiến bạn mất nhiều thời gian để chùi rửa, vệ sinh hơn. 2 dạng nồi này cũng có kích thước lớn, khi nấu gây cảm giác cồng kềnh, chiếm dụng một khoảng lớn không gian bếp núc.
- Nếu đun cháo trên nồi truyền thống, bắt buộc bạn phải luôn túc trực gần đó để quan sát, khuấy cháo để tránh bị khét. Chính quá trình này khiến bếp của bạn trở nên nóng bức và lộn xộn hơn.
- Chọn nồi cơm điện để đun cháo sẽ khắc phục được cả hai tình trạng trên một cách toàn diện, vô cùng tiện lợi. Bởi công suất trung bình của nồi dao động từ 700-800W, mâm nhiệt toả đều, nắp nồi xả hơi nước tốt, chỉ bằng một nút nhấn, toàn bộ nguyên liệu bạn cho sẵn trong nồi sẽ tự động được nấu chín.
- Sau khi chín nguyên liệu, nồi cơm sẽ bật sang chế độ giữ ấm. Điều này giữ món cháo của bạn khi múc ra thưởng thức được bung nở đều hạt, mềm mại, không nát, hương vị thơm ngon mà không mất đi lượng dinh dưỡng cần thiết.
2. 5 Cách nấu cháo bằng nồi cơm điện không bị trào
Cháo là món ăn “quốc dân” cho mọi người mọi nhà bởi độ dễ ăn và thơm ngon. Việc nấu cháo cũng không mất nhiều thời gian hay công sức của người đứng bếp, chỉ từ 20-40p tuỳ vào độ cầu kỳ của món cháo.
2.1 Cách nấu cháo trai bằng nồi cơm điện
Con Trai là nguyên liệu thực phẩm có tính hàn, giàu canxi, khi ăn vào mùa hè có tác dụng giải nhiệt, bồi bổ sức khoẻ xương khớp rất hiệu quả. Dành thời gian nấu một nồi cháo Trai thật bổ dưỡng đãi cả gia đình thì không còn gì tuyệt vời bằng.
– Chuẩn bị nguyên liệu:
- Trai: 3kg
- Mỡ lợn: 0.5g
- Gạo tẻ: 300g
- Gạo nếp: 100g
- Chanh tươi: 1 trái to
- Ớt hiểm: 3-4 trái
- Gừng tươi: 1 đốt
- Hành phi sẵn: 200g
- Hành khô: 100g
- Hành lá: 20g
- Ngò rí: 1 bó nhỏ
- Dầu ăn: 1 muỗng canh
- Quẩy chiên giòn: 4 chiếc
- Gia vị
Khi đi mua nguyên liệu bạn cần để ý những điều sau:
- Hãy mua con trai còn sống, tươi mới để đảm bảo thịt ngon và ngọt thay vì mua hàng đông lạnh có sẵn. Cách nhận biết trai còn sống là chạm tay vào vỏ chúng sẽ lập tức khép lại, không bị mở miệng cứng đơ và không phát ra mùi hôi tanh do bị hỏng.
- Nên mua gạo tẻ và gạo nếp tại các vựa gạo chính hãng để đảm bảo gạo không mốc, có mùi thơm tự nhiên. Nếu bạn thích ăn cháo nhuyễn có thể mua bột gạo tẻ và bột gạo nếp để nấu, song vẫn nên để ý về màu sắc, độ nhuyễn mịn của bột để tránh mua nhầm bột cũ.
- Đừng quên mua gừng tươi, hạt tiêu và ngò rí thật tươi, bởi chúng có tác dụng át đi mùi tanh nhẹ của trai, đồng thời tăng tính nóng, giảm độ hàn của món cháo.
– Cách tiến hành:
Bước 1: Sơ chế trai và các nguyên liệu
Sơ chế trai:
- Pha một thau nước sạch, trong đó gồm nước cốt của một trái chanh tươi và 3-4 trái ớt hiểm đã được cắt khúc. Thả toàn bộ trai đã mua vào nước trong vòng 3-4 tiếng để chúng nhả sạch toàn bộ đất cát đang ngậm. Sau khi ngâm xong lấy bàn chải chà sạch toàn bộ phần vỏ trai để tránh rong rêu, đất cát còn bám lại, đem rửa nhiều lần dưới nước cho sạch cặn bẩn.
- Tiến hành đun 300ml nước sôi và thả phần trai vào luộc dưới lửa vừa liu riu tầm 10 phút. Đợi lớp vỏ vừa kịp hé miệng hết thì đổ chúng vào nước lạnh, bắt đầu tách thịt khỏi vỏ cho ra tô đựng riêng, đừng quên cắt bỏ túi phân bẩn bên trong.
- Đổ hết thịt trai ra thau và bóp đều chúng với 3 muỗng canh muối hột, bóp đến khi nào đẫm hết muối thì rửa sạch. Dùng dao mũi nhọn chẻ thịt trai thành những khúc vừa vặn với sở thích ăn của bạn.
Sơ chế các nguyên liệu khác:
- Lấy mỡ heo rửa thật sạch với nước, bóp sơ qua muối hột từ 1-2 lần để giảm bớt mùi tanh.
- Trộn hỗn hợp gừng băm, nửa muỗng cà phê muối và thịt trai vào nhau, đảo đều, ướp khoảng 20”.
Bước 2: Xào thịt trai
Bắc bếp thật nóng, thả lượng mỡ heo đã cắt sẵn vào chảo và chiên với lửa riu riu tầm 15 phút. Quan sát thấy tóp mỡ co lại, vàng giòn và có lượng nước mỡ vừa đủ đẫm quanh chảo thì tắt lửa. Gắp toàn bộ tóp mỡ ra chén, chỉ để lại khoảng 1-2 muỗng canh mỡ trên chảo, chuẩn bị xào thịt trai.
Thả toàn bộ phần trai được ướp từ 20p trước vào chảo, cho thêm gia vị xào liên tục trong 1 phút cho săn lại, đẫm gia vị và óng ánh lên màu.
Bước 3: Vo gạo
Bạn hãy ngâm phần gạo nếp và gạo tẻ bạn mua sẵn vào nước lạnh từ 3-4 tiếng trước. Sau khi gạo mềm thì chắt phần nước cũ bỏ đi, thay nước mới vào vo cho gạo sạch bụi bẩn, vỏ trấu.
Cho phần gạo vừa ngâm và vo xong đặt vào nồi cơm, cho thêm lượng nước mới, áng chừng đạt đúng độ đặc hoặc lỏng theo sở thích của bạn.
Bước 4: Đổ thêm dầu ăn
Đây là bước cực kỳ quan trọng mà bạn không được quên nếu không muốn nồi cháo bạn nấu bị trào ra bên ngoài. Hãy cho thêm 1 thìa dầu ăn vào trong nồi cơm điện trước khi nhấn nút, lượng dầu này sẽ thay bạn kiểm soát bọt nước khi nhiệt độ tăng cao.
Bước 5: Bật chế độ nấu cháo
Muốn bắt đầu nấu cháo, hãy nhấn nút “Cook” màu đỏ trên thân nồi và để nồi hoạt động tầm 20”. Sau đó, muốn cháo không cháy, hãy nhấn nút “Warm” giữ ấm và để yên nồi trong 30 phút, cháo sẽ dần chín.
Bước 6: Trang trí và thưởng thức
Sau khi tất cả nguyên liệu đã hoàn thành, bạn hãy bày biện tô/chén và múc phần cháo vừa nấu, múc thêm lượng thịt trai đã xào đậm đà vào chén. Rắc lên trên là một ít hành lá, ngò rí, tóp mỡ giòn rụm và hành phi thơm phức. Cuối cùng, cho thêm tiêu xay, nêm nếm vừa miệng lại là bạn đã hoàn tất một tô cháo trai bổ dưỡng.
2.2 Cách nấu cháo đậu xanh với nồi cơm điện
Cháo đậu xanh là món ăn có khả năng giải cảm hiệu quả. Mùi cháo thơm dịu, béo bùi bởi hạt đậu xanh vàng ươm và ngọt thanh bởi hạt cháo trắng nõn. Sự hoà quyện tuyệt vời này chắc chắn sẽ đánh thức mọi giác quan của bạn!
– Chuẩn bị nguyên liệu:
- Gạo ST25: 200g
- Đậu xanh: 30g
- Hành lá: 20g
- Hành phi: 20g
- Hạt tiêu xay: 5g
- Dầu ăn: 1 muỗng canh
– Cách tiến hành:
- Bước 1: Sơ chế gạo và đậu xanh
Gạo trắng bắt đầu rửa qua với nước 1-2 lần rồi ngâm với nước sạch ít nhất 40p để khi nấu sẽ mềm nhanh hơn.
Đậu xanh mới mua về còn rất cứng, hãy cho vào nước ngâm tầm 60 phút để khi nấu cháo đậu nhừ kịp lúc, tiết ra chất bổ tốt hơn. Ngâm xong hãy rửa sạch lại và để đậu ra rổ cho ráo nước.
- Bước 2: Đong nước vào hỗn hợp đậu xanh và gạo
Trộn hỗn hợp gạo và đậu xanh hoà đều vào nhau, sau đó đong nước vào nồi cơm điện sao cho vừa đủ nhu cầu ăn tầm 1l nước.
- Bước 3: Nấu cháo
Cho nồi hoạt động tầm 20 phút với chế độ “Cook” để đậu xanh lẫn gạo được mềm nhừ. Sau đó chỉnh sang chế độ giữ ấm “Warm” cho phần cháo được chín và thấm vị hoàn toàn.
Khi thấy cháo đã chín hoàn toàn, bạn có thể lấy muỗng nghiền đậu nhừ hơn, cho thêm nước vào nồi nếu muốn ăn loãng hơn.
- Bước 4: Thưởng thức thành phẩm
Cháo chín hết rồi thì bạn múc chúng ra tô, rắc hành lá đã cắt nhỏ, rải hành phi và múc thêm chút tiêu đen lên bề mặt cháo. Tô cháo nóng hổi thơm phức mùi đậu còn nóng sẽ giúp cơ thể đổ mồ hôi, giải cảm, khoẻ lên rất nhiều sau khi thưởng thức.
2.3 Mẹo nấu cháo vịt bằng nồi cơm điện
Cháo vịt là món ăn quá quen thuộc của Việt Nam vào những dịp giỗ lễ. Phần cháo sóng sánh nhẹ thơm nức đậm đà, cắn thêm miếng thịt vịt dai mềm quyện cùng nước mắm gừng mặn ngọt làm quyến luyến biết bao người sành ăn.
– Chuẩn bị nguyên liệu:
- Vịt: Nguyên con vịt hoặc 1kg thịt vịt
- Gạo tẻ: 80g
- Gạo nếp: 80g
- Gừng tươi: 2 củ to
- Hành lá tươi: 20g
- Hành phi: 20g
- Rượu trắng: 5 thìa
- Dầu ăn: 1 thìa
Khi chọn vịt hãy ưu tiên mua loại vịt cỏ có thân nhỏ vừa tuổi đang lớn. Quan sát bên ngoài bạn sẽ thấy chúng đã có đủ lông cánh, cách có 2 điểm mút có thể bắt chéo qua nhau. Sờ phần thân vịt vừa vặn, thịt chắc, ít mỡ. Da trên cổ, da bụng dày dặn, phao câu và ức tròn đều, căng mọng. Hoặc khi cầm vịt trên tay thấy nặng, ức và lườn vịt căng to thì đây chắc chắn là vịt ngon, ăn sẽ rất mềm và ngọt thịt.
– Cách tiến hành:
- Bước 1: Sơ chế vịt
Bắt đầu làm vịt thật sạch, sau đó dùng rượu trắng trộn cùng củ gừng tươi đã giã nhuyễn đổ vào phần thịt. Xoa bóp đều trên thịt cho miếng thịt vịt được khử mùi hôi tanh, khi ăn được thơm ngon, ngọt nước hơn.
- Bước 2: Luộc vịt
Nấu nước trong nồi cơm điện, trong khi đợi cho nước sôi thì bạn nướng thật thơm 1-2 củ hành khô, thái chỉ thêm ít gừng tươi, rắc chút muối và cho cả 2 nguyên liệu này vào nồi nước đã sôi.
Sau đó, thả phần thịt vịt vào ngập nước luộc cho chín mềm. Trong khi luộc ở nồi cơm, bạn nhớ chú ý canh chừng nước dùng một chút, nhớ vớt hết những bọt khí nổi lên bên trên để nước dùng được thơm ngon.
Vịt luộc chín thì gắp ra đĩa, phần nước luộc hãy vớt sạch bọt và tiếp tục để sôi liu riu.
- Bước 3: Nấu cháo vịt
Tương tự như các món trên
- Bước 4: Hoàn tất
Cả 3 yếu tố: thịt vịt, cháo, mắm gừng đã xong cũng là lúc bạn được thưởng thức thành quả. Sự kết hợp này chắc chắn sẽ tạo nên sự bùng nổ ngay từ lần nếm thử đầu tiên.
2.4 Cách nấu cháo từ cơm nguội bằng nồi cơm điện
Bạn muốn có một bữa ăn sáng nhanh, gọn, lẹ nhưng không kém phần hấp dẫn? Bạn hoàn toàn có thể tận dụng được phần cơm nguội ăn không hết vào đêm qua để tự nấu cho mình một nồi cháo trắng thơm phức.
– Chuẩn bị nguyên liệu:
- Cơm nguội: 500g (tuỳ ý)
- Hành phi: 20g
- Hành lá: 20g
- Tiêu xay: 5g
- Hành ngò: 5g
- Dầu ăn: 2 muỗng canh
- Trứng bách thảo/trứng vịt muối: 1 – 2 quả
– Cách tiến hành:
- Bước 1: Cho nước vào cơm nguội
Vì đã là cơm nguội, hạt đã chín mềm nên bạn không cần phải ngâm hoặc vo gạo trước đó. Chỉ cần đổ tô cơm nguội vào nồi, cho thêm lượng nước tương ứng tầm 300ml – 500ml để đun sôi.
- Bước 2: Bắt đầu nấu
Cho 1 muỗng canh dầu ăn vào nồi để chống trào, sau đó bạn chỉ cần nhấn và canh nồi khi nấu ở chế độ “Cook”. Tầm 7 phút sau cháo đã có thể sôi lên, bạn chỉnh sang chế độ giữ ấm và nêm nhẹ nhàng chút gia vị cho cháo.
- Bước 3: Luộc trứng
Hãy bác nồi nước sôi riêng, cho chút muối vào nồi và thả 2 quả trứng vào, đảo trứng qua lại trong quá trình sôi để trứng được chín đều đẹp mắt. Sau khi sôi thì gắp trứng ra tầm 5 phút, để nguội và bóc vỏ, chẻ đôi quả trứng để xắn múc ăn dần cùng cháo.
- Bước 4: Hoàn thiện
Múc cháo ra các tô, cho thêm hành phi, hành tươi, tiêu và ớt (nếu thích ăn cay) vào tô. Sau đó, xắn một miếng trứng bắc thảo béo bùi hoặc trứng muối mặn mặn húp cùng muỗng cháo. Như vậy là buổi sáng của bạn đã đủ năng lượng rồi đấy!
2.5 Nấu cháo thịt bằng nồi cơm điện
Cháo thịt bằm là món ăn tuổi thơ cuả rất nhiều thế hệ: từ người già cho đến trẻ nhỏ, ai cũng mê tít món cháo dân dã, giản dị này. Tưởng tượng nấu được một nồi cháo thịt bằm thơm ngon trong vòng chưa đầy 45p phục vụ cho cả gia đình thì còn gì tuyệt bằng!
– Chuẩn bị nguyên liệu:
- Gạo tẻ: 100g
- Gạo nếp: 100g
- Thịt bằm sẵn: 100g
- Nấm hương: 20g
- Ngò, rau húng quế, tía tô
- Dầu ăn: 1 muỗng canh
– Cách tiến hành:
- Bước 1: Sơ chế gạo, thịt và nấm
Lấy gạo nếp và gạo tẻ rửa qua nước lạnh 1-2 lần cho ráo bụi bẩn, ngâm 45” trong nước để hạt gạo được nở mềm hơn.
Nấm hương khô sau khi ngâm nước nở ra thì cắt hạt lựu thật nhuyễn và đẹp mắt.
- Bước 2: Xào sơ phần thịt heo
Bắc chảo lên cho 1 muỗng dầu ăn vào thật nóng, phi thơm tỏi và hành đã băm sẵn. Đổ phần thịt đã ướp vào đảo đều tay cho thịt tơi ra chín đều các mặt. Sau đó, cho luôn phần nấm hương vào trộn đều với thịt, khi thấy nấm hơi quắt lại, thịt ráo nước và săn vàng thì tắt chảo.
- Bước 3: Nấu cháo
Cho dầu ăn vào nồi cơm điện và đổ hỗn hợp gạo đã ngâm vào nồi, cho thêm nước sạch vào không vượt quá 70% gạo nấu và chút muối. Nhấn nút “Cook” để nồi cơm điện bắt đầu đun nhừ cháo, sau tầm 20p thì chuyển qua chế độ “Warm” 30 phút, đổ luôn hỗn hợp thịt đã xào vào cháo và khuấy đều.
- Bước 4: Thưởng thức thành quả
Một nồi cháo thịt bằm sẽ tròn vị hơn nếu bạn nêm thêm hành phi, hành lá, tiêu và ớt lên tô. Nếu bạn thấy nhạt hãy cho thêm chút nước mắm vào phần cháo, chúng sẽ trở nên thơm ngon, đậm đà hơn bao giờ hết.
3. Lưu ý quan trọng khi nấu cháo nồi cơm điện
Nồi cơm điện giúp quá trình nấu nướng nói chung và nấu cháo nói riêng được nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Song bạn cũng đừng chủ quan mà bỏ qua các điểm lưu ý quan trọng sau đây khi sử dụng:
- Mỗi nồi cơm điện sẽ công suất tiêu thụ khác nhau, bạn có thể chủ động quan sát lượng hơi nước thoát ra từ nắp nồi để biết nồi có sôi hay chưa, nhanh chóng thay đổi chế độ giúp cháo không bị cháy.
- Cách chống trào hiệu quả nhất cho nồi cháo chính là sử dụng dầu ăn đổ vào nồi nước đun, bởi lớp dầu sẽ nổi bên trên và kìm hãm các phần bót khí kết tụ gây trào lại.
Nếu muốn tiết kiệm thời gian, tinh giản công sức, gia tăng chất lượng món ăn, bạn hoàn toàn có thể nấu cháo bằng nồi cơm điện. Chỉ một chiếc nồi và thao tác nhấn/thả nhẹ nhàng, sản phẩm đã thay bạn làm hết rất nhiều công việc, trong đó có việc nấu cháo tẩm bổ cho gia đình.